Khi đứng trên sân khấu, mọi thứ trong em cứ bùng nổ hết ra. Thật thoải mái khi được thể hiện những suy nghĩ và ức chế của mình. Âm nhạc của bọn em đơn giản như chính cuộc sống vậy. Nó thu hút những người sống nội tâm, nhưng khi ở bên nhau chúng em lại rất cởi mở.

Dương là một cô gái vô cùng bé nhỏ, giọng ca chính của ban nhạc metalcore Windrunner đến từ Hà Nội, cô có thể cất lên những tiếng gào mạnh mẽ nhưng cũng có thể hát như một thiên thần. 22 tuổi, cô đã vào nhiều vai khác nhau để cân bằng cuộc sống: công việc thực tập ở ngân hàng đáp lại mong mỏi của bố, ban nhạc để giữ tâm hồn hạnh phúc, và thói quen cầu nguyện để làm hài lòng tổ tiên.

Chúng tôi đã cùng nhau trò chuyện về: Hoạt động âm nhạc Metal ở Hà Nội, những kỳ vọng và xương cốt của bà nội.

Phần 1. Âm nhạc và những tiếng gào

Em là Dương Bùi. Em đến từ Việt Nam.

Vào một trong những ngày lạnh nhất ở Hà Nội trong vòng 8 năm qua, tôi đã trò chuyện với Dương ở lễ hội âm nhạc “The School of Mosh” mà cô đang tham gia tổ chức.

Em đang chơi trong một ban nhạc metalcore.

Chúng tôi dùng trà cùng nhau trong một quán bar hiện đại, bên cạnh có một nhóm đàn ông đang ngồi nhậu giữa trưa. Trước khi bắt đầu phỏng vấn, điều tôi cần phải biết ngay là vì sao một cô gái nói năng nhỏ nhẹ thế này lại có thể gào như em được?

Em vừa tập hát xong, chị cứ nghĩ em sẽ không còn giọng để nói chuyện với chị nữa, nhưng hình như em hoàn toàn ổn.

Chị thử để một chiếc đũa vào miệng thế này này. Thở ra. Rồi đổi hướng của luồng khí, lại thở ra. Khi em tập hát, nó cảm giác như đang thở thôi. Em nghĩ em thành thục kĩ năng này nên họng và những phần khác không bị tổn thương bao giờ cả.

Em tập luyện trong phòng ngủ à?

Em còn không có phòng ngủ, chị ạ. Một căn nhà Việt Nam điển hình, rất ít không gian, và không có sự riêng tư. Phòng thu âm là nơi duy nhất em có thể gào lên.

Phòng thu âm, và dĩ nhiên là trên sân khấu nữa. Nơi cô sẽ tới sau cuộc trò chuyện này.

Tôi mời Dương tới nhà mình một vài tuần sau đó để nghe ý kiến của cô về lễ hội âm nhạc.

Phòng chị ở đây.

Chúng ta có thể ngồi đây nếu em muốn.

Phòng chị Nhật Bản quá!

Ừ đúng thế!

Em thấy lễ hội vừa qua thế nào?

Đây là lần đầu một sự kiện âm nhạc thế này được tổ chức ở Hà Nội. Người Hà Nội, số đông thường không thích nhạc nặng. Vì thế đó thực sự là một thắng lợi lớn của bọn em, một bước khởi đầu. Hôm đó lạnh lắm, vì thế em thấy thật biết ơn những người đã đến. Em thực sự mong là một ngày những sự kiện thế này sẽ trở nên phổ biến hơn và những nghệ sĩ có thể bằng cách nào đó kiếm sống bằng âm nhạc.

Tôi băn khoăn không biết họ có gặp vấn đề gì với cảnh sát không khi lần đầu tiên tổ chức một lễ hội âm nhạc hardcore ở Hà Nội.

Có khoảng 5 cảnh sát, ban đầu họ mặc đồng phục và ra ra vào vào liên tục, em đã đùa với họ rằng. “Vé của các chú đâu ạ?” Họ chỉ cười rất thân thiện. Rồi sau đó họ mặc trang phục bình thường đi vào, nhìn thấy mosh pit, thấy mọi người nhảy lên nhảy xuống sân khấu, gào thét như điên – họ cười, chắc đó là lần đầu tiên họ nhìn thấy một thứ cuồng nhiệt như vậy.

Hẳn là sau đó những người cảnh sát này sẽ về nhà nghe mental. Nhưng lần đầu Dương nhận ra đam mê của mình với metal là khi nào? Cô nói mình bắt đầu để ý tới âm nhạc vào những năm cuối của thời niên thiếu, nghe R&B và pop, rồi tới dòng metal phổ biến như Red Hot Chilli Peppers.

[Dương hát Californication của RHCP]

Thậm chí mẹ em còn thuộc được giai điệu của bài hát này và tự hát trong phòng tắm. Em thấy mẹ thật đáng yêu.

Rồi bước ngoặt xuất hiện: một người bạn giới thiệu cho Dương về metal. Rất nhiều người không biết cách thưởng thức metal. Dương có vài luận điểm khá thuyết phục về điều này.

Thứ nhất:

Với thế hệ trẻ, có rất nhiều người như em, có niềm tin và nhu cầu được bộc lộ mạnh mẽ, nhưng chúng em không thể hét vào mặt người khác hay làm điều gì đó bình thường để giải tỏa. Vậy nên âm nhạc là một trong những cách tốt nhất.

Thứ hai:

Chúng em nghe nhạc hardcore rồi nhảy và gào thét, xung quanh mọi người đều làm những điều điên rồ như vậy. Cảm giác đó giống như là tìm thấy một cộng đồng cho mình, và mình được chấp nhận vậy.

Thứ ba:

Chúng em có thể là bất cứ điều khi ở trên sân khấu. Âm nhạc là một nghệ thuật, nó có những giai điệu và cấu trúc tuyệt vời, rồi được những người nghệ sĩ tài ba chơi nó. Tốt hơn nhiều là chơi thuốc hay tìm đến rượu chứ? Âm nhạc rất tốt cho sức khoẻ.

Phần 2. Những kì vọng và cơ hội

Ảnh đại diện facebook của Dương hiện giờ là hình cô trong bộ áo dài truyền thống của Việt Nam, được chụp trong lễ tốt nghiệp đại học: tóc đen dài, son môi hồng. Có gì đó rất gothic ở hình ảnh này so với cô gái tôi gặp: quần jeans đen, áo đen của ban nhạc và chiếc áo phao vàng, ngồi diễn giải về cách cô đã tách bản thân mình ra nhiều phần thế nào.

Làm sao cuộc sống bình thường và cuộc sống âm nhạc có thể giao hoà với nhau? Điều gì sẽ xảy ra khi đứa trẻ mang âm nhạc về nhà?

Đa số người trẻ Việt Nam đều phải tách bản thân thành nhiều phần: phần cho kì vọng của cha mẹ, phần cho mình, phần cho xã hội, và chúng em có rất nhiều áp lực. Tất cả chúng em đều có một cuộc sống âm nhạc và một cuộc sống hằng ngày.

Ban đầu, bố mẹ Dương cấm cô không được chơi nhạc. Nhưng mẹ cô bắt đầu nhận thấy điều đó thật không công bằng – Dương đã rất nỗ lực với tấm bằng tài chính của mình và cô xứng đáng được chơi nhạc.

Mẹ khá tự hào về em – rằng con gái mình có thể viết nhạc, hát, thu âm và làm nhiều thứ tương tự. Bố thì mãi mới ngừng cấm em theo đuổi âm nhạc. Em biết bố buồn, thật sự buồn mỗi lần em ra ngoài tập luyện và về nhà lúc 11 giờ khuya. Nhưng bằng cách nào đó, mọi việc đã diễn ra suôn sẻ.

Luôn có những khoảng cách thế hệ tại Việt Nam, hay bất cứ xã hội nào khác. Tôi đã hỏi quan điểm của Dương về những sự kiện xảy ra kể từ năm 1986.

Điều rõ ràng nhất là những công dân trước năm 86 tin vào Đảng Cộng Sản và người lãnh đạo lúc bấy giờ. Đất nước khi đó rất nghèo nên mọi người dân đều phải cùng nhau cố gắng, họ rất đoàn kết, họ tin vào sức mạnh của một dân tộc đoàn kết, sức mạnh của tập thể, gia đình. Họ không muốn nổi bật vì tất cả mọi người đều như nhau, nghèo như nhau…

Sau năm 86, kinh tế phát triển và người dân có điều kiện vật chất để làm những gì mình muốn. Chúng em có internet vào năm 1997, và bắt đầu biết tới những nền văn hoá khác ở bên kia bán cầu.

Điều đó đã thay đổi thế hệ sau Đổi Mới thế nào?

Chúng em muốn khẳng định mình. Tôi là tôi, tôi khác biệt, tôi có thể làm điều này điều kia, tôi có tài năng. Mỗi người đều có những năng lực khác nhau, và em nghĩ đó là điều tốt vì tất cả những phần tốt nhất của mọi người sẽ được tận dụng để giúp xây dựng đất nước.

Quan điểm đậm chất chủ nghĩa cá nhân này khác hẳn triết lý dựa trên giá trị Khổng giáo của chính phủ. Tôi tò mò về ảnh hưởng của chính trị đến cuộc sống của Dương, nhưng hóa ra một người khác đã hỏi cô câu này rồi, và cô không hứng thú trả lời lắm.

Em từng được BBC phỏng vấn, và họ hỏi về chính trị.

Quốc hội? Quốc hội nào? Hanoi Creative City – một căn nhà cũ mốc của nhà nước nay đã được chuyển thành một khu thử nghiệm nghệ thuật.

Lúc ấy em không muốn nói về chính trị, nhưng phóng viên cứ tiếp tục hỏi về những cuộc họp quốc hội. Em không muốn bị theo dõi… Khi đi với bạn, đôi lúc bọn em cũng nói về chính trị. Nhưng rất khó để tiếp cận quốc hội hay gì đó kể cả khi bọn em có những ý kiến xây dựng. Nên thôi, chúng em chủ yếu nói về âm nhạc.

… Sau đó chúng tôi nói về đời sống tinh thần của Dương, về tổ tiên, những người quan trọng với cô hơn là chính trị.

Phần 3: Tâm linh của Dương.

Dương thường tìm sự ủng hộ của tổ tiên. Cô luôn thắp hương trước bàn thờ vào những buổi diễn quan trọng.

“Xin hãy bảo vệ con hôm nay. Con có một buổi biểu diễn rất quan trọng và con muốn nó được thành công. Xin hãy cho con sức mạnh để làm điều đó.”

Em tin rằng khi mình chết, linh hồn mình sẽ ở xung quanh và ngắm nhìn con cái, bảo vệ chúng, như cách ông bà em đang làm vậy. Khi em cầu nguyện như thế, mọi thứ luôn suôn sẻ. Em nghĩ tổ tiên mình đang quan sát mình từ trên cao và bảo vệ, giúp mình vượt qua mọi điều…

Một trong những ngày quan trọng và đặc biệt nhất của Dương là lúc quan tài bà em được đưa lên từ dưới đất, 5 năm sau khi bà mất.

Ôi trời, đó đúng là một ngày khó khăn. Và hôm đó mưa to khủng khiếp. Ngay khi quan tài được đưa lên, trời ngừng mưa.

Đây là một thủ tục truyền thống để lau sạch những phần xương của người mất bằng những loại thảo mộc đặc biệt.

Nhà em chuyển những phần xương ấy sang một chiếc quan tài nhỏ hơn, xây một cái mộ chắc chắn để bà có thể yên nghỉ. Sau hôm đó, ai trong nhà cũng bị ốm. Em nghĩ là em sẽ không bao giờ nhìn thấy cảnh như vậy lần thứ hai. Bây giờ người ta thường hay hỏa thiêu hơn.

Cách đó sẽ vệ sinh và dễ dàng hơn. Một trong những chi tiết có thể nói về việc thủ tục này khó khăn thế nào là: người lau xương phải cực kì cẩn thận với phần xương đầu, nếu không bà Dương sẽ bị đau đầu mãi mãi. Dương có thấy sợ trong ngày này không?

Em không thể nghĩ gì khác ngoài việc, ồ, đây là bà. Em đã không gặp bà trong 5 năm rồi, và đây là cách gần nhất em có thể nhìn thấy bà. Em không thấy sợ. Đó là bà, bà đã rất yêu em. Đây là lần cuối con gặp bà đấy bà ạ, xương của bà, trang phục của bà. Bà chỉ còn lại xương thôi. Xương của bà rất đẹp và nhỏ, bà em có dáng người nhỏ lắm.

Liệu những kí ức này có trở thành những lời nhạc Dương viết?

Em chắc chắn sẽ viết về cái chết – đó không nên là thứ chúng ta sợ hãi. Em nghĩ cái chết khiến chúng ta nhận ra nhiều điều về cuộc sống. Mọi người nghĩ rằng âm nhạc của bọn em đầy sự giận dữ, và em phải viết về những điều đáng sợ như cái chết, bóng tối và các thứ. Nhưng thực ra chúng em viết về tình yêu, cuộc sống, tình anh em, sự phản bội, những điều rất đời thường, chẳng có gì đáng sợ cả.

The Renovation Generation được sản xuất bởi tôi, Eliza Lomas, Fabiola Buchele và Trang Nghiêm. Đây là một sản phẩm của & Of Other Things.