Các bạn đang nghe Vietnam’s Renovation Generation. Chân dung bằng âm thanh của những người trẻ đang dần thay đổi tương lai của đất nước.

Trong tập 16, chúng mình đã mời bốn cô gái trẻ sắp hết tuổi thiếu niên đi uống cà phê, ăn bánh và nói chuyện. Chúng mình muốn biết suy nghĩ của họ về những đặc quyền, việc không được những thế hệ đi trước coi trọng và những hi vọng của họ về tương lai.

Mia: Mình là Mia Nguyễn, mình sinh năm 1997

Mia: Tên mình là Mai Phạm và mình sinh năm 1998

Giang: Mình là Giang Khuất và mình sinh năm 1998

Boba: Mình là Boba, tháng 9 này mình tròn 18 tuổi.

Mia, Mai, Boba và Giang đều đến từ những gia đình khá giả, cũng như nhiều gia đình khác, họ đã nhận được nhiều lợi ích mà công cuộc Đổi Mới ở Việt Nam đã mang lại. Giáo dục quốc tế, cơ hội rộng mở và ổn định tài chính là những yếu tố đã hình thành nên con người họ hôm nay. Hiện tất cả đều đang du học ở nước ngoài hoặc đang chuẩn bị đi du học và chúng mình đã đặt ra cho họ một số câu hỏi…

Nguyện vọng nghề nghiệp của các bạn là gì?

Boba: Mình muốn thành lập một tổ chức để dạy cho trẻ em, giáo dục các em thông qua trượt ván hoặc thể thao, nhất là với trẻ em đường phố hay những em có hoàn cảnh khó khăn.

Mai: Một trong những ước mơ của mình trong tương lai là mở một phòng tranh. Hiện nay ở nước mình nghệ thuật chưa được coi trọng và chắc chắn đó là một trong số những việc mình muốn thay đổi.

Giang: Thỉnh thoảng mình cũng không biết mình muốn làm gì với cuộc sống của mình. Trong thâm tâm mình muốn trở thành một luật sư, nhưng thật là ngu ngốc nếu như bạn đi sang Mỹ học luật và sau đó quay trở về Việt Nam để thực hành luật, vì luật ở hai nơi khác xa nhau. Nhưng bây giờ thì mình đang cố gắng tìm ra cách để học ở Mỹ và làm việc tại Việt Nam.

Với các bạn thì nơi nào là nhà?

Các bạn có muốn quay trở lại đây sau khi học xong?

Mai: Mình có

Giang: Mình có

Mai: Hồi bé, từ hồi 5 tuổi, mình đã đi học ở trường quốc tế và nhiều người nói rằng mình mất gốc, tức là mình không có nguồn gốc Việt Nam. Càng lớn mình càng nghĩ, bây giờ mình đang học ở Mỹ, mỗi khi về nhà mình lại có cái cảm giác này và khi mình đi dọc những con phố ở Hà Nội, mình biết rõ những con phố và mình biết đây là nhà.

Mia: Vì bây giờ mình không ở nhà, mình lại càng trở nên Việt Nam hơn. Như kiểu mình gắn bó hơn với văn hoá Việt Nam hơn khi mình ở nước ngoài. Ví dụ, mình cho rằng mối liên hệ giữa mình và Phật Giáo đã phát triển rất nhiều. Khi mình ở Canada, mình không có họ hàng ở đó nên mình cho rằng tôn giáo đã trở thành gia đình cho mình khi xa nhà. Mình rất muốn một phần của mình trở nên sùng đạo, nhưng chỉ một phần thôi, vì mình thấy nó khá là lành mạnh, theo một cách nào đó.

Giang: Ý này hay quá.

Các bạn có nghĩ mình có điều kiện hơn người khác?

Mai: Thỉnh thoảng mình cũng có nghĩ đến điều đó, như khi mình đi trên những con phố ở Việt Nam, mình nghĩ ‘ồ, mình đã may mắn hơn rất nhiều so với người kia’, ví dụ thế. Hoặc, mình đã làm gì để được nhận chúng. Nhưng đồng thời khi mình được cho những cơ hội này thì mình cũng nên sử dụng chúng.

Mia: hoặc nhiều lúc mình nhìn bạn bè từ các trường công và mình sẽ nghĩ ‘ồ họ đang làm thật là nhiều thứ so với những gì mình đang làm, mà mình thì được tạo cho bao nhiêu điều kiện và cơ hội hơn họ, nhưng mình lại không sử dụng chúng một cách hợp lý hoặc nhiều như họ’. Nên rất nhiều lần mình cảm thấy mình thật vô dụng, hoặc mình cảm thấy tội lỗi với tất cả những đặc quyền hiện có.
Giang: Ciputra đúng là một cộng đồng giàu có, và ngay bên cạnh nó là những người nghèo sinh sống và họ…

Boba: Mình nghĩ là mọi người nên đi ra ngoài và khám phá và có những ý kiến khác nhau về những người sống quanh họ.

Mai: Mình nghĩ chúng ta đều muốn xoá nghèo và có ít người nghèo sống trong tình cảnh đó, nhưng từ thời thực dân Pháp, đã có rất nhiều biệt thự Pháp dành cho người giàu và tất cả những người khác chỉ sống trong những ngôi nhà bé tí, và mình nghĩ mọi thứ đã như vậy một thời gian khá lâu rồi.

Nếu như bạn có thể thay đổi một thứ và giữ một thứ, những thứ đó sẽ là gì?

Mia: Để thay đổi điều gì đó… phân biệt giới là một vấn đề lớn. Phân biệt sắc tộc cũng là một vấn đề lớn. Hoặc như là phân biệt tuổi tác cũng thế, nếu bạn già hơn bạn có tất cả quyền để ra lệnh cho người trẻ hơn, dù bạn có thể không đủ năng lực như họ, vì họ biết nhiều hơn về công nghệ và đầu óc cũng cởi mở hơn.

Mai: Ở đây có quá nhiều phân biệt giới tính. Đàn ông luôn phải là người chu cấp cho gia đình, hoặc con gái thì chỉ được học những ngành nhất định, hoặc phải cưới trước tuổi nhất định, phải có con cái trước tuổi nhất định nếu không thì họ sẽ trở thành quả bom nổ chậm hoặc chí ít đó là điều mọi người vẫn bàn tán. Những lần gia đình gặp mặt, những người phụ nữ luôn phải ở trong bếp nấu nướng. Mình thích nấu nướng, mình không ngại làm việc đó, nhưng sau đó mình luôn phải rửa bát, tại sao anh trai mình không phải làm? Mình thật không hiểu.

Giang: Thật hả?

Mai: Ừ, anh mình không bao giờ làm.

Mia: Giữ gì nhỉ…? Còn có rất nhiều lý tưởng. Ví dụ như làm thế nào để bao bọc cho gia đình, tôn giáo, bất kể điều gì. Hoặc văn hoá gia đình mà chúng ta có, các bạn biết đấy, gia đình luôn được ưu tiên hơn sự nghiệp và mọi thứ khác. Cái văn hoá gia đình này, mình thật sự thích nó.

Mai: Mình thích Tết. Mình chưa được đón Tết ba năm nay rồi và mình rất nhớ nó, thật đấy. Nó là thứ mình nhớ nhất khi ở Mỹ.

Mia: Mình nghĩ có một thứ là chúng ta cần giữ và mình có cảm giác chúng ta đang đánh mất nó, chính là ngôn ngữ. Các bạn trẻ Việt Nam bây giờ không dùng tiếng Việt thành thạo như ngày trước nữa. Văn học đang mất đi người đọc. Chúng ta phải giữ lấy ngôn ngữ này. Đó là tiếng mẹ đẻ mà…

Giang: Mình thì muốn giữ những giá trị văn hoá.

Boba: Ví dụ như?

Giang: Âm nhạc, Ca Trù ý.

Boba: À ừ. Mình muốn giữ lại những câu chuyện của Hà Nội, người Hà Nội, về con người Việt Nam. Mình muốn là một người kể chuyện về Hà Nội.

Các bạn nghĩ sao về thế hệ của mình?

Mai: Chúng mình là thế hệ lạc lối.

Mia: Như mạng xã hội. Chúng ta tiêu thụ, chúng ta có tỷ lệ cao nhất Đông Nam Á. Trời ơi? Các cậu hãy đi ra ngoài, hãy làm các thứ đi chứ.

Boba: Họ có các nguồn thông tin, mạng internet, mọi thứ. Nhưng họ lại không biết tận dụng chúng. Đó là vấn đề với thế hệ của chúng ta.

Mai: Mình hi vọng có nhiều tính cá nhân hơn và nhiều tính sáng tạo hơn trong thế hệ trẻ.

Boba: Đúng vậy mình muốn mọi người biết tự hào, nhất là giới trẻ tự hào về văn hoá và phong cách sống hoặc tự hào về đất nước họ.

Mia: Mình muốn đất nước cọi trọng thế hệ trẻ hơn. Hiện nay, họ đang đối xử với chúng ta như một lũ trẻ con. Thế nên dù có ý kiến hay đến đâu về việc thay đổi các thứ, các vấn đề, lý tưởng, chúng ta không có nguồn lực để làm điều đó.

Các bạn có thấy lạc quan về tương lai không?

Tất cả: Có chứ.

Mia: Mình nghĩ bây giờ, thế hệ bọn mình là thế hệ của thay đổi. Chúng ta đang tạo ra thay đổi ngay lúc này. Nếu chúng ta chiến đấu cật lực ở thế hệ này, các thế hệ sau chắc chắn sẽ được hưởng lợi rất nhiều.

Các bạn có gì mà bố mẹ không có?

Boba: Kinh nghiệm.

Giang: Mình sẵn sàng nói ra những suy nghĩ của mình.

Mia: Điều kiện sống.

Mai: Cái gì cơ?

Mia: Điều kiện sống.

Có điều gì trong quá khứ mà các bạn nhớ không?

Mia: Tất cả các trò chơi và cách trẻ con tận hưởng tuổi thơ của chúng. Tuổi thơ của bố mẹ mình tuyệt hơn rất nhiều so với của mình. Vì có lẽ là do họ không có công nghệ thông tin. Mình không nói là công nghệ là không tốt, mình chỉ nói là việc dựa dẫm vào công nghệ đang quá lớn.

Mai: Mình nghĩ chúng ta đang mất đi quá nhiều thứ mà mình thích về Việt Nam và một trong số đó là những câu chuyện ngụ ngôn, truyền thuyết phía sau mọi thứ. Như hồi còn bé, mình nhớ là mình rất thích ăn, và mỗi món ăn có một câu chuyện đằng sau nó và mình nhớ đến cái thời mà mọi người nói chuyện với nhau nhiều hơn, kể cho nhau nghe những câu chuyện nhỏ dễ thương và mình thích những câu chuyện đó. Ước gì bây giờ vẫn được như thế.

Mia: Bây giờ họ không giải thích các thứ nữa.

Giang: Mình cảm thấy tình yêu hồi đó lãng mạn hơn và cần nhiều công sức hơn. Hồi đó không có điện thoại và mạng internet nên nếu bạn muốn gặp ai đó bạn phải đến gặp họ hoặc viết thư hoặc thực sự cố gắng. Bây giờ nếu bạn muốn nói yêu ai, chỉ việc nhắn tin cho họ, chia tay thì gọi một cuộc điện thoại “này, chào nhé”, xong. Mấy thứ này thật buồn cười. Ý mình ở đây là, mình cảm giác thời bố mẹ mình mọi người kiên nhẫn hơn. Ví dụ khi bị vỡ cái gì, họ sẵn sàng sửa lại nó, chứ không vứt đi.

Boba: Hồi đó mọi người đều nghèo nên thường sống theo tập thể, nhưng hồi có họ quan tâm và chăm sóc nhau thật lòng chứ không vì vật chất. Hồi đó họ không có tiền nhưng chia sẻ với nhau tất cả những gì họ có. Và đó là một cách sống thật tốt đẹp và mình thích thế.

Điều gì sẽ khác giữa thế hệ các bạn và thế hệ sau các bạn?

Boba: Nếu như chúng ta vẫn cứ giữ phong cách sống hiện nay, mình nghĩ lịch sử và văn hoá sẽ chết, sẽ biến mất bằng cách nào đó hoặc làm biến đổi lịch sử và mọi người sẽ không còn biết đâu là sự thật nữa.

Mai: Mình nghĩ là sự tự lập.

Nhiều tự lập hơn ư?

Mai: Ít tự lập hơn. Mình nghĩ mọi người, theo một cách nào đó có nhiều sự tự lập hơn, vì họ có ít các rào cản hơn và nhiều cách để khám phá hơn, nhưng đồng thời lại rất dựa dẫm vào mạng xã hội, rất dựa dẫm vào những gì họ được cho tặng.

Giang: Mình đồng ý với Mai. Mình thấy thế hệ mới có thể sẽ bị Mỹ hoá. Như ở Mỹ, bạn muốn nấu gì cũng được, mọi thứ đều tự động, bạn đến siêu thị và thế là xong. Chỉ việc về nhà và cho vào…

Mai: …lò vi sóng…

Giang: …lò vi sóng hoặc lò nướng. Thế nên dù có nhiều công nghệ xung quanh nhưng thực ra chúng ta lại bị phụ thuộc vào chúng.

Mai: Mình nghĩ là chúng ta sẽ trở nên lười nhác.

Mia: Chúng ta sẽ bị nuông chiều quá mức bởi những tài nguyên sẵn có.

[tiếng Giang, Mai, Mia và Boba chụp ảnh khi đang ăn bánh]

Các bạn vừa nghe The Renovation Generation. Theo dõi chúng tôi tại SoundCloud hoặc cập nhật thông tin của The Renovation Generation trên iTunes, Stitcher hoặc MixCloud để không bị lỡ một tập nào.

Nhà sản xuất Eliza Lomas và Fabiola Buchele. Trợ lý sản xuất Trang Nghiêm và Trang Ngô.

Jacques Smit là nhiếp ảnh gia của chúng tôi và người dẫn chuyện là tôi, Bill Nguyễn.

Một sản phẩm của & Of Other Things

Trong tập 17, chúng tôi đến Huế để nói chuyện với Trần Văn Nhật, một quản lý văn phòng trong tổ chức phi chinh phủ về việc mồ côi từ khi còn nhỏ, tình yêu với quê hương và lý do anh lo sợ cho tương lai.

Hãy lắng nghe