Các bạn đang nghe Vietnam’s Renovation Generation. Chân dung bằng âm thanh của những người trẻ đang dần thay đổi tương lai của đất nước. Trong tập 10, chúng tôi trò chuyện cùng Nam Lu, nhà thơ tự do, nhà sưu tầm cổ vật và sách cũ.

Mọi người thường gọi tôi là Lu, Lu là biệt danh của tôi lấy từ màu xanh da trời, màu yêu thích của tôi và cũng là tâm trạng ưa thích của tôi trong ngày…

Anh đã kể cho chúng tôi nghe về việc không tin vào từ ngữ, việc là một kẻ ngoại đạo trong gia đình và quá trình đấu tranh để tìm ý nghĩa cuộc sống.

**Một vài phần trong cuộc đối thoại sau có thể khiến bạn không hài lòng**

[NHẠC]

Anh hút tẩu lâu chưa?

Gần hai năm rồi.

Chúng tôi uống cà phê cùng anh trong khu vườn của một ngôi nhà cũ kỹ nơi anh sống và mở rộng thành quán cà phê…

Quán Tranquil.

Chúng tôi muốn tạo một không gian yên tĩnh và thanh bình cho mọi người.

Café Tranquil cứ yên lặng phát triển như đúng không gian nơi đây. Chủ quán rất coi trọng việc giữ gìn sự tĩnh lặng của quán, những giá sách đầy ắp xen kẽ những chiếc bàn luôn có người ngồi, họ có thể làm việc, đọc sách hoặc chỉ đơn giản là chạy trốn khỏi cái náo nhiệt không ngừng của Hà Nội. Người chủ đã tạo nên không gian này từ nhu cầu của chính họ, và sau đó là để phục vụ khách hàng.

Các cụ có câu khách hàng là thượng đế. Tôi nghĩ điều đó thật vớ vẩn. Khách hàng là bạn, đã là bạn thì cần tôn trọng nhau, tôi tôn trọng bạn, bạn tôn trọng tôi và cả hai chúng ta đều vui vẻ. Bạn không phải là thượng đế của tôi, tôi không phải người hầu của bạn.

Chắc chắn Nam sẽ không bao giờ chịu làm người hầu cho ai hết. Anh ấy có nhiều thứ khác quan trọng hơn để lo lắng. Ví dụ như việc viết lách và tìm hiểu ý nghĩa của cuộc sống này.

Tôi không biết mình đang làm gì với cuộc sống của bản thân.

Trong khi tìm câu trả lời cho điều đó thì hàng ngày anh đang làm gì?

Trong đầu tôi có quá nhiều suy nghĩ nên tôi phải viết ra. Một số người, họ có thể vẽ, một số khác có thể viết nhạc. Với tôi, tôi viết.

Anh viết văn xuôi và truyện ngắn, nhưng chủ yếu là thơ. Và mặc dù Nam dành nhiều thời gian sắp xếp câu chữ, anh thật ra lại không tin chúng chút nào.

Tôi không thực sự tin vào từ ngữ. Nếu tôi nhìn thấy cái gì rất đẹp, hoặc cái gì rất buồn, hoặc cái gì rất vui sướng, tôi sẽ không bao giờ có thể làm bạn cảm thấy điều tương tự.

Năm ngoái tôi đã xuất bản một cuốn sách và một số người hỏi tôi về thông điệp đằng sau những con chữ. Tôi không muốn câu chữ của mình mang thông điệp gì. Bạn không cần phải hiểu nó theo một cách, điều đó thật hạn hẹp và nông cạn. Tôi muốn mọi người coi tác phẩm của tôi như cái cây họ thấy trên đường. Họ có thể thích nó hoặc họ có thể ghét nó.

Bản thân Nam không đọc nhiều thơ, nhưng trong cuộc nói chuyện cùng chúng tôi, nhiều lần anh có nhắc tới…

Trần Dần.

Chính hành động và khả năng sống đúng với bản thân của ông đã truyền cảm hứng cho Nam, chưa kể tới…

…cách ông sử dụng từ, cách ông chọn chữ, cách ông sắp xếp câu chữ hay nhịp điệu của bài thơ.

Chắc chắn bản thân Nam cũng biết đôi chút về viết thơ tự do…

Tôi bắt đầu sáng tác thơ từ năm 7 tuổi. Những bài thơ rất ngớ ngẩn, có vài bài thơ rất dài về mọi thứ xung quanh tôi, về bố tôi, mẹ tôi, anh trai tôi, bạn bè tôi, mấy cái cây, nhà tôi, con chó của tôi, con mèo của tôi, cái bàn, cái ghế, mọi thứ.

…chúng tôi đã hỏi xem liệu anh có thể đọc một trong những tác phẩm đầu tiên của mình…

…chúng tôi chuyển nhà rất nhiều nên tôi đã mất hết các bản viết tay hồi bé.

Vậy là những khám phá và thử nghiệm văn thơ ngày bé của anh giờ chỉ còn trong tiềm thức.

Tôi nhớ một buổi trưa hè cách đây nhiều năm, khi mẹ ru tôi ngủ trên đùi bà, rồi tôi sẽ lim dim và bà sẽ đọc thơ hoặc hát cho tôi nghe…

Nhưng mẹ anh chỉ là một nhà thơ bán thời gian…

Bố tôi, mẹ tôi, anh trai tôi, chị dâu tôi, họ đều làm cùng trong một công ty, và cùng một bộ phận. Tôi là kẻ ngoại đạo trong gia đình. Họ làm về tài chính và quản lý.

Sự khác biệt này cũng được bộc lộ theo nhiều cách khác…

Lần nào cuộc nói chuyện của chúng tôi cũng biến thành cuộc cãi vã. Nhưng tất nhiên chúng tôi yêu quý lẫn nhau và rất thân thiết. Chúng tôi không bao giờ ôm nhau hay nói ‘con yêu bố’, ‘bố cũng yêu con’. Chúng tôi không có thói quen bày tỏ cảm xúc, nhưng tất nhiên tôi biết rằng gia đình tôi yêu nhau rất nhiều.

Tình cảm đó đã cho Nam sức mạnh tinh thần khi những những suy nghĩ đen tối bủa vây anh.

Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ sống lâu. Tôi biết đó là một suy nghĩ rất tiêu cực, nhưng tôi luôn cho rằng mình sẽ chết trước khi bước sang tuổi 30.

Tại sao?

Bởi vì tôi… không thể tìm được ý nghĩa của cuộc sống. Tôi biết nó khá là tiêu cực và có thể nó không thích hợp lắm với chương trình của các bạn, nhưng tôi chỉ chia sẻ thật thôi. Tôi đã từng cố tự sát.

Anh đã cố? Đã từng sao?

Vâng, năm ngoái.

Chuyện gì đã xảy ra?

Tôi nghĩ về mẹ, và tôi dừng lại.

[NAM ĐỌC THƠ CỦA ANH ẤY]
lòng tôi đầy những cánh tay
đầy những ngón tay
những cái nắm tay
đi vay
ngày nhạt ngày
ai xua đi nổi?

lòng tôi đầy những khói
tim chia bốn ngăn
khói đầy cả bốn
bốn gạch đầu dòng -
khói loang
lòng tôi đầy những hồng hoang
quảng trường/ ai phá
mây đông/ hoá đá
cánh tay/ ngắn quá
khói tan rũ mềm

lòng tôi đầy những cột đèn

Những hình vuông, và có rất nhiều suy nghĩ đứng đợi thành hàng trong những ô vuông này, và đầu óc tôi cũng đầy những đám mây trắng, đầy những đám mây trống rỗng và từ hai bên những đám mây đang trôi trên bầu trời của tôi.

Ngày qua ngày tôi cảm thấy cuộc sống của mình thật tẻ nhạt và đầu óc tôi thì đầy những khói. Trái tim tôi có bốn buồng và khói tràn vào cả bốn phòng và khói đang trôi nổi trôi nổi khắp mọi nơi. Và đầu óc tôi đầy những vùng đất hoang vu và họ phá huỷ hình vuông của tôi, và họ biến những đám mây thành đá và vì sao cánh tay tôi, bàn tay tôi chúng quá ngắn và vì sao khói đang bị xé ra, rồi chúng cứ biến mất.

Đây là toàn bộ sách của anh à?

Không, chỉ là mấy quyển tôi mua từ khi tôi chuyển đến đây.

Ồ. Mà anh mới chuyển đến đây… khoảng 1 năm?

11 tháng.

…anh đã tiêu tiền đúng chỗ đấy.

Chúng tôi quay lại gặp Nam vào hôm sau cuộc phỏng vấn. Anh ấy đã mời chúng tôi lên phòng trong căn nhà ngay cạnh quán cà phê để đọc bài thơ mà bạn vừa nghe. Một đoạn trong cuốn thơ của anh được xuất bản năm ngoái.

Tôi sưu tầm sách thiếu nhi của Xô Viết.

Ồ…

Những chồng sách, hai hàng dài, mỗi hàng hơn chục quyển chiếm phần lớn không gian.   

Chúng tôi biết đến Nam đầu tiên qua những bức ảnh của anh. Cách đây ba năm, anh trưng bày những bức ảnh của mình tại một triển lãm các nghệ sĩ mới nổi của Nhà Sàn Collective. Đó là những bức hình cận cảnh người yêu cũ của anh. Những tấm ảnh cận cảnh vào những chi tiết như những vết sẹo, cái rốn, khoảng cách giữa các ngón tay, được in ngang trên giấy lụa mềm và treo lên tạo thành thế giới riêng của chúng. Đó là sự tán dương những điều nhỏ bé tạo nên sự khác biệt giữa người này với người kia.

Chúng ta là người lạ, rồi chúng ta có thể trở thành người yêu và sau đó chúng ta có thể lại trở thành người lạ và điều tôi luôn ghi nhớ là những chi tiết nhỏ của người đó. Một vài khoảnh khắc mà tôi có thể mường tượng lại, một vài vết sẹo, cái gì đó trên da cô ấy, đó là những thứ tôi nhớ chứ không phải từ ngữ. Bạn có thể nói cùng những từ đó với nhiều người khác nhau nhưng chỉ có một phiên bản của nó mà thôi và bạn không bao giờ có thể quên nó được.

Những chi tiết nhỏ gợi nhớ ký ức là một chủ đề xuyên suốt trong cuộc nói chuyện của chúng tôi với Nam. Và chúng tôi đã xin phép anh ấy cho xem một trong những món đồ cũ anh sưu tầm vì có một câu chuyện ẩn sau món đồ đó.

Trầu tiếng Anh là gì? …Ừ cái gì đó đại loại thế.

Đây là một cái cối, một cái cối kim loại khá là lộn xộn phải không, giống cái chuông, cái này gọi là gì nhỉ?

Một cái cối nhỏ bằng đồng, cao khoảng 7 cm, được các cụ bà dùng để nghiền trầu khi họ không thể nhai được nữa. Một trong ba người phụ nữ thường chơi bài với mẹ anh hàng chiều đã cho anh cái cối đấy.

Họ không còn chơi nữa rồi, vì cả ba bà cụ đã qua đời, và bây giờ cứ khi nào tôi trở về nhà ở đó, tôi luôn có thể thấy mẹ tôi ngồi một mình trong phòng khách và không còn ai chơi bài với bà.

Lần nào nhìn thấy cảnh đó tôi cũng nhớ người phụ nữ ấy và tôi cũng nhớ mẹ tôi và tôi cũng nhớ bản thân mình những năm ấy. Rồi việc sờ và nghe âm thanh của nó khiến tôi nhớ lại tôi đã đến đây thế nào, nhớ câu chuyện của tôi, tôi từ đâu đến, gia đình tôi và về ý nghĩa của việc tồn tại ở đây.

Một cuộc thảo luận về ý nghĩa của việc tồn tại chắc hẳn sẽ khiến các tập của chúng tôi dài thêm, vì thế chúng tôi đã quyết định tạm gác chuyện đó lại và hỏi Nam về sự khác biệt giữa thế hệ của anh với thế hệ của những người phụ nữ nhai trầu?

Mạng internet… nó đã thực sự thay đổi cả một thế hệ.

Như thế nào?

Nó cho chúng ta một cuộc sống đầy màu sắc, nó tạo cảm hứng cho công việc của chúng ta và tạo cảm hứng cho cuộc sống của chúng ta. Tôi nghĩ rằng mọi người ngày nay, chúng ta có thể biết rất nhiều về nhau. Biết rất nhiều thông tin, nhưng để hiểu một người thì là một câu chuyện khác.

Để biết và để hiểu rất khác nhau.

[NHẠC TỪ GỖ LIM]

Các bạn vừa nghe The Renovation Generation. Theo dõi chúng tôi tại SoundCloud hoặc cập nhật thông tin của The Renovation Generation trên iTunes, Stitcher hoặc MixCloud để không bị lỡ một tập nào.

Nhà sản xuất Eliza Lomas và Fabiola Buchele. Trợ lý sản xuất Trang Nghiêm và Trang Ngô. Người làm nghiên cứu là tôi, Maia Do. Jacques Smit là nhiếp ảnh gia và người dẫn chuyện là tôi, Bill Nguyễn. Một sản phẩm của & Of Other Things.

Trong tập 11, chúng tôi nói chuyện với hai nhà hoạt động NGO Trang và Mai để lắng nghe suy nghĩ của họ về việc hi sinh tình yêu cho học thuật, Đổi Mới đã thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của họ ra sao, và sức mạnh của tình bạn.
Đừng bỏ lỡ các bạn nhé!