Nghệ thuật là cách tôi giao tiếp với mọi người và thể hiện bản thân. Nhưng thể hiện bản thân mà không ai quan tâm thì thể hiện làm gì?

Các bạn đang nghe chương trình The Renovation Generation (Thế hệ Đổi Mới) của Việt Nam Trong tập 3, chúng tôi trò chuyện với Nguyễn Hoàng Giang – một nghệ sĩ đa phương tiện với cách thể hiện rất đa dạng.

[ÂM THANH TỪ TÁC PHẨM CỦA GIANG]

Giang có khả năng nhìn và lắng nghe mọi thứ, tiêu hóa chúng rồi nhả ra thành những tác phẩm nghệ thuật khiến bạn vừa sốc vừa buồn cười.

[ÂM THANH TỪ TÁC PHẨM CỦA GIANG]

Những âm thanh được cắt ghép mà bạn đang nghe là một trong những tác phẩm của anh.

[ÂM THANH TỪ TÁC PHẨM CỦA GIANG]

Sinh năm 1990, Giang là người hiểu biết về công nghệ kĩ thuật số từ rất sớm. Anh sử dụng sức mạnh của Internet để xây dựng một cộng đồng đặc biệt, thu hút được nhiều người ủng hộ nhưng cũng không ít kẻ chỉ trích. Với tôi, anh là một nghệ sĩ, một người bạn vô cùng tài năng và chín chắn. Với người khác, anh là một nghệ sĩ kiêu căng và tồi tệ. Dù vậy, điều tôi tò mò là bố Giang nghĩ gì về anh. Tôi đã gặp ông vào ngày cuối cùng của triển lãm hội họa đầu tiên của  Giang tại phòng triển lãm nghệ thuật đương đại Six Degrees tại Hà Nội.

[BỐ GIANG NÓI]

Người đang nói chính là bố Giang.

[BỐ GIANG NÓI]

Điều ông muốn nói là tôi nên cố gắng kiếm cái ăn trước khi sáng tạo, bởi vì sống ở Việt Nam với tư cách một nghệ sĩ là phi thực tế. Thể loại hội họa tôi theo đuổi quá cá nhân nên tôi không thể có thêm nhiều người thưởng thức. Nhiều người tới và nói rằng thật khó để tìm ra người hứng thú với những tác phẩm của tôi, và sẽ khá kì dị nếu treo những bức tranh của tôi trong phòng khách.

Khi còn nhỏ, tôi không giỏi thể thao hay bất cứ trò chơi điện tử nào, nên tôi chỉ biết vẽ vời để giết thời gian.

Thói quen vẽ tranh tự do thời thơi ấu đã giúp Giang trưởng thành trong những năm tháng niên thiếu, khi anh bắt đầu tận dụng tiềm năng của Internet để tìm niềm vui trong việc kết nối với bạn bè, người lạ qua những cú click chuột.

Tôi luôn quan tâm tới khán giả. Tôi không phải loại người nghĩ rằng tôi làm tác phẩm này hoàn toàn vì sở thích cá nhân và không quan tâm người khác nghĩ gì về nó. Đây là tác phẩm của tôi.

Nhưng Giang không thực sự coi mình là một nghệ sĩ, có lẽ anh cho rằng phải trải qua đào tạo bài bản mới được gọi như vậy, mà Giang thì không có (hay không cần) điều đó.

Tôi không nghĩ rằng mình cần định nghĩa bản thân là nghệ sĩ. Lý do tôi sang tác là vì khi quá buồn chán, tôi cần tạo ra những điều mới mẻ; đó là cách tôi đối diện với sự buồn chán đó.

[NHẠC]

Chính sự buồn chán này đã đưa đẩy Giang trở thành người nắm giữ bí mật của hơn 4000 người lạ.

Tôi ăn rồi tự ép mình nôn ra. Tôi nhìn vào mình trong gương mỗi sáng. Tôi trông gầy hơn một chút, và tôi thấy vui vì điều đó. Một ngày, tôi sẽ chết vì sự thỏa mãn này.

Ý tưởng của Giang có tên là Cái hố đen. Mỗi người gửi một bí mật ở dạng ẩn danh, anh minh họa nó rồi chia sẻ trên một trang blog.

Tôi thấy rằng rất nhiều người có những vấn đề giống nhau – những chuyện còn tệ hơn những vấn đề của tôi – nó khiến tôi cảm thấy khá hơn một chút. Tôi nghĩ mình cần có gì đó để làm mỗi ngày, nếu không tôi sẽ thấy cuồng chân cuồng tay, vì vậy tôi quyết định mỗi ngày vẽ một bức tranh.

Giang đã chọc đúng tổ kiến lửa khi những bí mật bắt đầu đổ ập tới anh, những câu chuyện ngày càng trở nên riêng tư, nhạy cảm và tiêu cực.

Bí mật số 118.

Nữ Bọ Cạp. Đã mất trinh. Lớp 12, bị một người họ hàng của bạn lạm dụng. Anh ta tán tỉnh, mời tôi đi ăn tối rồi cưỡng bức.

Năm nhất đại học, một người học lớp 12 không biết rằng tôi đã mất cái gọi là sự trong trắng.

Một cảm giác đau đớn.

Những câu chuyện về lạm dụng tình dục, phá thai nhiều lần, suy nghĩ muốn tự tử trở nên quá phổ biến tới mức Giang nghi ngờ sự xác thực của chúng. Vì thế anh tách mình khỏi sự tiêu cực này và tập trung vào những thông điệp khác

Có một vài chuyện thực sự rất khó tin. Ý tôi là, vì Internet luôn là một môi trường rất tốt để bảo vệ danh tính cho chúng ta, giúp ta che dấu danh tính, làm một người khác; tôi nghĩ khó tránh khỏi việc ai đó sẽ muốn phóng đại câu chuyện của mình hoặc chèn thêm những yếu tố hư cấu vào đó. Tôi không muốn minh họa cho những thứ như vậy nữa. Tôi thực sự muốn hướng tới một điều gì tích cực và nên thơ hơn.

Giang nhận ra rằng Internet là công cụ tốt nhất cho công việc của mình. Mặc dù bản thân đã hứng chịu rất nhiều lời chê trách và chỉ trích trên mạng, anh vẫn nhìn thấy tương lai của mình rất rõ ràng trong thế giới ảo.

Ở Việt Nam có rất nhiều hình thức kiểm duyệt, nhưng điều nực cười là ở trên mạng, bạn có thể nói thoải mái về bất kì điều gì, cả kể chính trị.

Giang dành rất nhiều thời gian trên mạng tìm kiếm, tiêu hóa và định hình lại thứ nghệ thuật mà anh thấy gần gũi với mình nhất. Những hoạt động này hình thành nên con người anh và cũng là một sự bác bỏ lại những điều anh từng được dạy ở trường.

Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã liên tục bị đổ lên đầu thứ văn hóa tuyên truyền của chính phủ qua chương trình được dạy trên trường lớp. Những thứ ấy không thú vị đối với tôi. Nhưng rồi tôi khám phá ra những phần khác của Việt Nam, không phải từ cuộc sống của những người nghèo, những người nông dân mà là từ cuộc sống đô thị.

Giang phải tìm hiểu rộng hơn những gì anh được tiếp xúc, đào sâu lịch sử văn hóa của những người đàn ông và phụ nữ của đất nước mình. Anh nghiên cứu những tác phẩm của các trí thức từng sống ở Hà Nội từ vài thế kỉ trước. Lật tìm những nhà thơ, nhà văn đã hoạt động từ những năm 1920, 1930 và thấy ở họ một tinh thần khá tương đồng với mình.

Tôi tìm thấy sự kết nối của bản thân và những người từng sống ở thành phố này trong quá khứ. Tôi được sinh ra ở đây, sống trong môi trường này, không gặp những khó khăn tương tự và thấu hiểu được sự vất vả của những người nghèo; vì thế tôi ngày càng gắn bó với những cuốn sách này và lần đầu tiên phát triển khả năng cảm thụ văn học – điều tôi không ngờ mình có thể sở hữu.

Với kiến thức văn học về thành phố trong tay, Giang lượn vòng quanh Hà Nội trên chiếc xe Honda Win 50 phân khối, đầu đội chiếc mũ bảo hiểm trắng được anh vẽ thêm cho giống như vừa bị bắn vào đầu.

Tiếp cận bản chất của thành phố mình sống, Giang nhận ra Việt Nam ngày nay được định hình bởi chủ nghĩa cộng sản, chế độ tư bản, văn hóa quần chúng hiện đại của Hàn Quốc và Nhật Bản; tất cả tạo nên một mớ văn hóa lộn xộn mà anh đang đào sâu tìm hiểu để sao chép, cắt dán những điều anh cho là một ngày sẽ tạo nên thứ thẩm mỹ riêng biệt của Việt Nam, không phụ thuộc bởi bất kì ảnh hưởng nào khác bên ngoài.

Chúng tôi đang ở trong giai đoạn chuyển đổi để trở nên thực sự ‘Việt Nam’ và khác biệt, nhưng điều đó cần thời gian. Bây giờ chúng tôi chỉ đang có một thứ tiếng ồn hợp thành bởi rất nhiều tiếng nói văn hóa. Tôi nghĩ trong tương lai, có thể chúng tôi sẽ sở hữu một cái gì đó thực sự đột phá, thực sự Việt Nam, từ thứ tiếng ồn ấy.

[NHẠC]

Nghệ thuật là cách tôi kết nối với con người và bộc lộ bản thân, mà bộc lộ bản thân để làm gì nếu không có ai lắng nghe? Dù họ không hiểu biết nhiều về nghệ thuật, họ vẫn có thể cảm nhận nó, và tôi luôn muốn tác phẩm của mình chạm tới những người như vậy vì tôi nghĩ rằng đó là lí do mà nghệ thuật tồn tại.

[ÂM THANH TỪ TÁC PHẨM CỦA GIANG]

The Renovation Generation được sản xuất bởi tôi, Eliza Lomas, Fabiola Buchele và Trang Nghiêm. Đây là một sản phẩm của & Of Other Things.